Nến thơm sơ lược
1. Giới thiệu nến thơm:
Nến là khối bao gồm nhiên liệu (sáp) và tim nến (bấc nến) có thể cháy được dùng để thắp sáng. Sau này ngoài nhu cầu về nguồn sáng, nến còn được bổ sung hương liệu vào để thắp lên cho thơm và ta có nến thơm như ngày nay.
Khi đốt bấc nến, sức nóng ngọn lửa làm sáp tan chảy hóa lỏng. Bấc nến hấp thụ chất lỏng, làm sáp hóa hơi và trở thành nhiên liệu cho ngọn lửa cháy.
Nến được sử dụng từ rất lâu đời phục vụ cho nguồn sáng, nghi lễ, trang trí và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay ngoài các nguồn sáng hiện đại
Một ngọn nến tốt là ngọn nến có bấc và sáp cháy với tốc độ chậm và đều tạo ra ngọn lửa ổn định
Hình minh họa nến ly
2. Các bước làm nến thơm cơ bản
Trong khuôn khổ bài viết, mình sẽ liệt kê các bước làm 1 hủ nến thơm cơ bản phong cách nhà mình – the Li’tlnest.
Thành phần chính của 1 hủ nến thơm phong cách nhà Li'tlnest 100gram:
Sáp (sáp ong, sáp đậu nành vảy hoặc dạng bột): 92 gram
Tim nến (bấc nến cotton, bấc nến gỗ)
Chất tạo hương (nhà mình dùng tinh dầu thiên nhiên cho phần này): 8 gram
Hủ chứa được hơn 100 gram sáp (chất liệu chịu nhiệt tốt và chống ăn mòn)
Màu nến (có thể có hoặc không)
Dụng cụ:
Nồi nấu sáp (cách thủy)
Cân
Nhiệt kế
Que khuấy
Kẹp giữ canh chỉnh tim nến
a. Chọn cân sáp và hương
– Bạn cân sáp trước, tổng lượng sáp là 92 gram, trong đó gồm 64,4 gram sáp đậu nành và 27,6 gram sáp ong.
– Bạn chọn tinh dầu thiên nhiên và cân 8 gram.
Bạn có thể tùy chỉnh lượng hương cho phù hợp. Không dùng hương quá nhiều, nếu bạn sử dụng các loại hương liệu chuyên dụng cho nến thì hãy theo sát hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
Hương quá nhiều có thể khiến sáp không giữ được hết, gây ra các sự cố không mong muốn.
*Hiện tại có khá nhiều quan điểm liên quan đến chọn hương chuyên dụng hay tinh dầu thiên nhiên. Tuy nhiên nhà mình thì dùng tinh dầu thiên nhiên và mình không có ý kiến gì về việc nên hay không nên, mình chỉ lưu ý một điều là cái gì cũng vừa đủ thôi nè*
Hương có thể biến đổi ít nhiều khi thắp nến so với trước khi thắp nến (cold throw vs hot throw).
Hình minh họa cân sáp và tinh dầu
b. Chuẩn bị hủ, bấc, màu
– Vệ sinh sạch sẽ hủ chứa
– Gắn bấc nến vào hủ chứa (canh giữa tim nến so với hủ chứa, có thể gắn bằng sáp lỏng hoặc keo dính bấc chuyên dụng)
– Chuẩn bị sẵn màu nến theo sở thích của bạn.
Bấc nến có kích thước khác nhau sẽ tạo ra vùng sáp hóa lỏng xung quanh bấc có đường kính khác nhau (melting pool). Bạn nên giành thời gian để thử nghiệm bấc nến so với hủ chứa nến của bạn. Nếu hủ quá lớn có thể xem xét dùng nhiều hơn 2 tim.
Ví dụ: mặt hủ bạn có đường kính là 6cm, bấc nến canh giữa thì vùng cháy sau khi thắp nên là 3-4cm xung quanh bấc nến thì sáp mới có thể hóa lỏng đều ở bề mặt và không gây ra lỗi nến như nến bị hõm xuống ở giữa, tạo lõm.
Hình minh họa chuẩn bị dụng cụ
c. Nấu chảy sáp, đổ khuôn, cho màu và hương
– Bạn nấu cách thủy cho sáp hóa lỏng.
– Khi sáp lỏng còn nóng, bạn hòa đều màu vào sáp.
– Theo công thức sáp và hương như bài viết thì bạn canh nhiệt độ còn ~60 độ C thì bắt đầu cho tinh dầu thiên nhiên vào hỗn hợp sáp lỏng và khuấy đều.
Lưu ý khuấy nhẹ tay để không tạo bọt trong sáp. Nhiệt độ cũng là 1 yếu tố quan trọng trong quá trình làm.
– Canh nhiệt độ còn ~55 độ, bạn cho hỗn hợp sáp lỏng (gồm màu, hương) vào hủ chứa, chỉnh tim sao cho thẳng đứng ngay trung tâm hủ.
Hình minh họa các bước nấu sáp, pha màu, hương và đổ khuôn
Sáp sẽ co lại sau khi nguội, tạo ra một bề mặt hơi hõm vào ở phần giữa và nhô lên ở xung quanh sát tim (do sáp ong co lại), khi cho sáp lỏng vào hủ bạn nhớ chừa lại một ít sáp để đổ vào lần 2 lấp những chỗ lõm nhé.
d. Đổ khuôn lần 2, trang trí nếu có
– Khi sáp nguội hoàn toàn, bạn sẽ nấu lại phần sáp còn lại, đổ vào lần 2 để sáp chảy đều tràn bề mặt 1 lớp thật mỏng.
– Nếu bạn có trang trí topping là sáp, bạn có thể cho vào hủ ở giai đoạn này.
Hình minh họa trang trí hủ nến
Lưu ý đối với các chất liệu trang trí không phải sáp như hoa khô, charm nhựa, ... bạn nên đặt xa tim nến để khi thắp nến không bị ngọn lửa liếm vào tạo ra những phản ứng không mong muốn hoặc tháo hết ra trước khi thắp.
– Sáp nguội hoàn toàn, bạn thực hiện cắt tim nến sao cho chiều dài tim so với mặt sáp là 0,4 – 0,6cm. Vệ sinh xung quanh hủ và đóng gói.
Hãy để yên cho nến nghỉ khoảng 1 - 2 tuần trước khi sử dụng nhe. Mới làm mà thắp luôn là hỏng có nghe mùi đâu.
3. Lưu ý, mẹo nhỏ tăng tuổi thọ nến
Bạn chỉ nên thắp nến thơm trong khoảng 2- 3 tiếng hoặc tối thiểu khi sáp chảy đều bề mặt. Thắp lâu hơn sẽ khiến ngọn lửa to hơn, tích nhiệt gây vỡ thành ly, hương được khuếch tán nhiều trong khi mũi đã bị quen mùi nên sẽ không ngửi được mùi của nến thơm đó nữa, vừa phí, vừa rủi ro, lại vừa rút ngắn tuổi thọ nến.
Nhớ tỉa bấc ngắn lại trước mỗi lần thắp để tránh tạo khói nhé. Nến nhà mình làm từ sáp thiên nhiên nên trong quá trình thắp cũng sẽ không có khói.
Bạn không thắp nến qua đêm, và khi thắp thì nhớ quan sát để tránh sự cố không mong muốn.
Thắp nến ở không gian lạnh và không quá thoáng sẽ giúp tăng trải nghiệm mùi hương rõ ràng hơn.
4. Nến thơm tinh dầu thiên nhiên Li’tlnest
Hướng đến nguyên liệu thiên nhiên an lành, thân thiện nên nến nhà mình sử dụng:
– Sáp thiên nhiên
– Tinh dầu thiên nhiên
– Không màu (màu nến là màu nguyên bản của sáp và tinh dầu)
– Bấc cotton
*Bạn tham khảo danh sách sản phẩm nến hiện có tại đây nhe.
*Nếu bạn chưa có thời gian sắm dụng cụ để tự làm, hoặc cảm thấy còn điều gì đó hoặc chỉ đơn thuần là trải nghiệm thôi thì có thể tham khảo workshop của tụi mình tại đây nhe.
Nến có thể khử ẩm rất tốt, mang lại những trải nghiệm tinh thần thú vị cho người sử dụng. Hãy giành chút thời gian cho bản thân, trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, thắp lên một ngọn nến và làm bất kỳ điều gì bạn thích nhé.